Người đàn ông mang tên Ove

Nếu chỉ còn sống 10 phút nữa thì bạn sẽ làm gì?

Trong vài công việc mình làm thì câu trả lời “đúng bài” sẽ là kiểu: tôi sẽ gọi điện cho bố/mẹ/con cái, hoặc làm điều gì đó quan trọng nhất trong đời.

Thế nhưng nếu hỏi câu này với ông Ove (đọc là U-vê) trong cuốn “Người đàn ông mang tên Ove” thì bạn sẽ nhận được cuộc đối thoại sau:

– Tức là 10p sau tôi sẽ chết à?
– Vâng.
– Không thể nào. Tôi còn khoẻ thế này cơ mà.
– Chỉ là giả sử thôi mà.
– Giả sử kiểu quái gì thế! Hết chuyện giả sử rồi à?
– … (nhún vai bất lực)
– Thôi được rồi. Cứ cho là tôi sẽ chết sau 10p nữa. Thế vì sao tôi chết?
– Bác…à…ờ… tự tử ạ.
– Tự tử à? Bằng cách nào?
– À…treo cổ ạ! Và trước khi treo cổ 10p thì bác làm gì ạ? (cố gắng lần nữa!)
– Làm gì trước khi treo cổ à? Còn làm gì nữa… Chắc chắn là tôi phải treo sợi dây lên xà nhà. À khoan đã, nhà tôi không có xà, cũng không có chỗ nào treo dây được. Vậy là tôi phải gắn một cái móc nữa. Để xem gắn ở chỗ nào thì được nhỉ! Chắc là phải gắn lên trần rồi. Thế mới treo cổ được chứ.
– Vâng, vâng. Coi như bác đã gắn xong cái móc, rồi treo sợi dây luôn rồi ạ. Thế rồi bác làm gì?
– Tất nhiên phải kiểm tra xem dây có chắc không. Mục tiêu là tôi phải chết đúng không. Thế thì dây phải thật chắc, không được mua dây đểu. Thời nay chả có gì dễ dàng đâu.
– …. (thở dài bất lực)
– Nhưng khoan! Nếu treo cổ phiền toái thế thì chắc chắn tôi sẽ không chết bằng treo cổ. Chả ai đi làm bằng ấy việc chỉ để chết. Tôi sẽ chết kiểu nào gọn nhẹ nhất… Ừmmm. Đâm vào tàu hỏa hoặc mua khẩu súng bắn pằng 1 phát chẳng hạn.
– …. (lại thở dài bất lực)

Và thế là câu chuyện về nửa đời còn lại của người đàn ông mang tên Ove bắt đầu!

Châu Á Thần Kỳ – Michael Schuman

Đọc được cuốn sách hay thì sướng. Thú vị ở chỗ, mỗi cuốn hay lại làm mình sướng theo một cách khác nhau. Phổ biến là sướng ít sau đó từ từ nhiều lên. Vài cuốn thì ngược lại, nhiều trước rồi giảm dần. Lại có vài cuốn khác thì sướng kiểu hình sin (như mấy cuốn của Malcolm Gladwell). Hoặc có cuốn chỉ sướng khúc giữa còn 2 đầu chán phèo. Nhưng loại sướng mình thích nhất là chịu đựng rồi đùng một phát, sướng đến hết sách. Cuốn “Châu Á Thần Kỳ” của Michael Schuman thuộc loại đó.

Sau phần đầu hơi lòng vòng giải thích này nọ mất hẳn 150 trang thì phần còn lại là 13 câu chuyện điển hình chứng minh cho nhận định “thần kỳ” về Châu Á của Michael Schuman. Mỗi câu chuyện đầy ăm ắp những chi tiết bất ngờ, riêng tư, đôi khi khá hài hước và mang tính giai thoại.

Có nhiều cuốn sách kể chuyện về các chính trị gia, doanh nhân, nhưng “Châu Á Thần Kỳ” chắc chắn vượt hẳn lên phần lớn đồng loại. Điều khác biệt là mức độ tin cậy của thông tin, hay chí ít là công sức thu thập dữ liệu và kết nối chúng thành câu chuyện của một nhà báo quốc tế kỳ cựu. Thường xuyên xuất hiện trên Time, Wall Street Journal và nhiều tờ báo uy tín khác, tên tuổi của Michael Schuman gắn liền với Châu Á. Sau mỗi câu chuyện ông kể là một sớ dài thườn thượt những chú thích nguồn tư liệu được sử dụng. Dù điều này khiến tiền in sách tăng vọt nhưng hẳn là sẽ không ai phàn nàn gì.

Sách hay, nhưng thành thật mà nói thì “Châu Á Thần Kỳ” thuộc nhóm sách dành cho giới cầm quyền hoặc kiểu thế. Phần còn lại đọc để gom góp thông tin chém gió là chính, rất ít điều có thể áp dụng. Trong số ít đó thì cảm hứng về sự kỷ luật, kiên trì, khiêm tốn là nổi bật nhất, xuất hiện trong hầu hết các câu chuyện.

Vậy nên đọc xong hơn 1000 trang rồi thì lo mà chăm chỉ làm việc của mình. Cả ngày bán “than” thì khó mà mong VN sẽ trở nên “thần kỳ”.

Dấn thân – Sheryl Sandberg

Từ trước khi cưới, vợ chồng mình suy nghĩ nhiều về chuyện con cái. Trong vô số câu hỏi, có một câu quan trọng vừa vừa là: Con trai hay con gái?

Bọn mình thì cóc quan tâm đến mấy lý do vớ vẩn như nối dõi tông đường, “có thằng chống gậy”, các cụ trong nhà bắt phải thế,… Chỉ cần nó không vất vả là được!

Hai vc làm nhanh một phép so sánh giữa con trai và con gái. Kết quả sơ bộ (theo mình nhớ) thì thế này:
1. Mỗi tháng mất máu 7 ngày (thế mà không chết!)
2. Sức khỏe yếu hơn đàn ông
3. Bị mặc nhiên phải lo việc nhà.
4. Bị mặc nhiên phải chăm sóc con cái
5. Mang thai và đẻ
6. Ra đường nguy cơ gặp nguy hiểm cao hơn đàn ông
7. Nguy cơ bị quấy rối
8. Không đẹp
9. Bị “công dung ngôn hạnh” đè tập 1
10. Bị “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đè tập 2
11. Dễ bị cuốn vào những thói quen tiêu cực như ganh ty, ngồi lê đôi mách.
12. Làm việc trong những lĩnh vực ít có khả năng trở thành lãnh đạo
13. Sức ép lấy chồng
14. Có xu hướng tự ti hơn so với đàn ông
15. Nhiều cảm xúc hơn đàn ông

Điều éo le là hầu hết những vấn đề phụ nữ gặp phải thuộc về bẩm sinh (tâm, sinh lý) và tác động không thể cưỡng lại của số đông trong xã hội, nghĩa là cho dù cha mẹ có 3 đầu 6 tay cũng không thể giúp ích gì nhiều cho con cái.

Sheryl Sandberg – COO của Facebook có một con gái. Có thể đó là lý do của bài nói chuyện nổi tiếng “Why we have too few women leaders” tại TED Talk, của cuốn sách best-seller “Lean in” (tựa Việt là “Dấn thân”) và những đấu tranh cho nữ quyền của bà vài năm gần đây.

“Dấn thân” gửi gắm thông điệp “Bình đẳng giới chỉ có khi số lãnh đạo là phụ nữ trên thế giới tăng lên ngang bằng với đàn ông”. Sandberg cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm cá nhân để phụ nữ có thể thăng tiến trong sự nghiệp và trở thành lãnh đạo.

Cá nhân mình không đồng ý với cách làm kiểu “top-down” của bà. Bởi để trở thành một lãnh đạo, phụ nữ phải vượt qua (1) những vấn đề chung của phụ nữ, (2) những vấn đề của xã hội và (3) vượt qua đàn ông. So sánh nhanh: đàn ông trở thành lãnh đạo chỉ cần vượt qua những thằng đàn ông khác.

Và thật ra, mình nghĩ rằng bình đẳng giới theo kiểu phụ nữ cần có vị thế ngang bằng với đàn ông là hoàn toàn trái tự nhiên. Đực và Cái là hai giống khác nhau, không thể so sánh với cùng tiêu chuẩn.

Công bằng cần đấu tranh là cả hai giới đều có sự tự do như nhau trong việc đưa ra những lựa chọn và quyết định cho cuộc đời. Và vì phần lớn phụ nữ đang không có thói quen đó nên đàn ông (lại một lần nữa) là người quyết định, bằng cách khuyến khích phụ nữ đưa ra lựa chọn của chính mình.

Không biết bạn thì sao, còn mình thì bắt đầu mỗi ngày bằng câu hỏi “Cưng muốn ăn gì?”