Tại sao con phải đi học?

– Bố ơi, tại sao con phải đi học?
– (Hít sâu, thở hắt ra) Thế này nhé. Có thể con sẽ khó hiểu, hoặc chẳng hiểu gì cả, nhưng bố cũng cứ nói. Vài năm nữa con hỏi lại và bố sẽ nói lại, lúc đó hi vọng mọi thứ rõ ràng hơn.

Đây là hình con mới sinh ra. Đây là lúc con biết đi. Còn đây là lúc con đi học. Con thấy đấy, mỗi vài năm, con sẽ lớn lên như thế. Kèm theo là con sẽ nghe thấy, nhìn thấy và nói chuyện với nhiều người hơn nữa, thay vì chỉ có bố, mẹ, bà nội, bác Tồ, chị Su… như bây giờ. Khi đó con sẽ có nhiều câu hỏi, giống như câu con đang hỏi bố này. Có câu khó, có câu dễ, nhưng rủi thay, con phải tự mình trả lời chúng. Sẽ có vài người góp ý này nọ, nhưng họ không phải là con, đừng để ý.

Con phải trả lời bằng cách liệt kê ra những lựa chọn có thể có, rồi chọn 1 trong số đó. Việc liệt kê ra các lựa chọn chẳng gây ảnh hưởng gì, nó đơn giản là các suy nghĩ đầu con thôi. Nhưng khi con chọn 1 điều cụ thể, sẽ có những thay đổi trong cuộc sống của con, với những người bên cạnh con. Ví dụ như chuyện con chỉ thích chơi với cô giáo đẹp nhất trường chẳng hạn. Bố sẽ… à mà thôi.

Cùng với bố mẹ, đi học sẽ giúp con luôn có thói quen góp nhặt thông tin cần thiết cho cuộc đời mình, sáng suốt khi liệt kê các lựa chọn, tỉnh táo đưa ra quyết định và dũng cảm kiên trì với quyết định của mình.

Nghe phức tạp, lùng bùng quá phải không? Đừng lo, con sẽ ổn thôi. “Tại sao” thường là câu hỏi khó, rất khó. Nếu con dũng cảm hỏi thật điều khó thì con sẽ ổn thôi.

Tóm lại, nếu con không đi học, thì sẽ không được chơi xe hơi, không xem máy bay, không được đi vòng vòng, không gặp chú Uber, không được nì nì nữa… Ok?

Học cách để trở nên tinh tế

“7200 mũ vành mềm, không bị thổi bay trong gió; 160 bánh xe từ những chiếc tàu đã phát chóng mặt vì đi vòng quanh thế giới; 245 đèn tàu soi xuyên làn sương mù dày mờ như súp đậu; 12 máy điện tín chạy điện méo mó dưới bàn tay chắc khỏe của những thuyền trưởng hay la lối; 256 la bàn không bao giờ xoay về hướng Bắc;”

Đó là phần miêu tả những món đồ vật trong một tiệm tạp hóa. Với mình thì đây là đoạn văn ấn tượng nhất trong cuốn Con Mèo Dạy Hải Cẩu Bay. Vì sự tinh tế.

Hai năm trước, nhóm sách chọn đọc cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân. Khi viết review, mình nghĩ mãi chẳng biết bắt đầu thế nào. Chán, lục hình người yêu cũ ra xem thì bật ra ngay phép so sánh cách miêu tả của Nguyễn Tuân với khả năng chớp khoảnh khắc của máy ảnh. Bất kể là tả người, tả cảnh hay đồ vật, chỉ một câu đủ vẽ nên bức tranh sống động. Vì ổng dư thừa sự tinh tế.

Trong cái của nợ công nghiệp 4.0, AI (trí thông minh nhân tạo) là cột trụ quan trọng. Nhưng mình tin rằng dù phát triển đến mấy thì sự tinh tế là thứ mà AI không thể thay thế con người.

Hi vọng một đứa trẻ chưa đầy 18 tháng nếu biết chơi với ánh nắng mai xuyên qua khe cửa thì sau này sẽ biết học cách để trở nên tinh tế.