Passengers (2016)

Khi ăn đu đủ, mình thường cắn 1 phát ở phần cuống, sau đó cắn tiếp 1 miếng phần đầu. Thói quen này hình thành khi bạn ăn đu đủ đủ nhiều, đủ để gặp vài quả chỉ ngon ngọt ở phần đầu, còn phần cuống thì nhạt toẹt. Loại này mình gọi là đu 1/2 (chứ không phải đủ)

“Passengers” với Jennifer Lawrence và Chris Pratt đóng vai chính, may thay, có phần đầu ngon ngọt, đủ để khiến khán giả tặc lưỡi xem nốt phần cuối nhạt toẹt.

Phim kể về chuyến du hành di cư của 5000 người Trái Đất đến một hành tinh mới toanh. Chuyến đi mất đến 120 năm mới đến nơi, do đó tất thẩy hành khách và phi hành đoàn được bỏ vào hòm ngủ đông.

Rủi thay, khi mới đi được 30 năm thì tàu gặp sự cố và người đàn ông bị/được đánh thức. Anh này, lại rủi thay, có mức nam tính hơi nhiều quá mức. Sau 1 năm trời FA vật vã, ảnh vô tình đi ngang hòm ngủ đông của một em tóc vàng, ngực bự, mặc đồ bó và mắt khép hờ…

Lẽ ra, bí mật động trời giữa anh chàng và cô nàng đó cần phải được khai thác sâu hơn nữa, phải cao trào hơn, phải dằng xé hơn, phải giải quyết đúng kiểu sang trấn tâm lý… Thì oạch một cái, đạo diễn chuyển hướng, đẩy con tàu chết tiệt vô tri vô giác thành nhân vật chính. Anh Chris, chị Jen vừa mới setup nét mặt, ánh mắt để chuẩn diễn tâm lý thì ngay lập tức cất vô kho, hò hét nhau chạy xịt khói, sml để sống sót và cứu hàng ngàn mạng người khác.

Ăn trúng trái đu 1/2 thì phải cắn nửa miếng ở cuống, cắn tiếp nửa miếng ở đầu cho cân bằng vị giác. “Passengers” không tệ, nhưng vì bạn không thể cắn nửa này nửa kia nên cảm giác chung là không hài lòng, nhất là khi biết Morten Tyldum cũng chính là đạo diễn của “The Imitation Game” từng nhận 8 đề cử Oscar 2015 (trong đó có đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất).

Mad Max: Fury Road (2015)

Thông thường, sau khi xem phim, bạn sẽ nhớ đoạn kịch tính nào đó hoặc gương mặt siêu sao hoặc một câu thoại “đinh”, rất ít phim khiến bạn nhớ về khung cảnh, địa điểm nơi diễn ra câu chuyện. “Mad Max: Fury Road” nằm trong số ít đó. Nếu ai đã xem “Interstellar” (cùng vài phim khác về không gian như “Apollo 13”, “Gravity”) và nghẹt thở với khoảng không bao la vô cùng tận của vũ trụ thì xem “Mad Max”, bạn sẽ có cảm giác khé cổ, nghẹn họng, môi khô khốc bởi một trái đất chỉ toàn cát, đá và muối!

Dữ dội, tàn khốc, điên cuồng, thê lương, bệnh hoạn, tởm lợm, đinh tai nhức óc là những cảm giác mà bạn sẽ “tận hưởng” suốt 2h của “Mad Max”, nhưng chính trong mớ hỗn độn đó, những câu thoại về HI VỌNG và những khoảng trầm lắng hiếm hoi giữa cuộc chiến trở nên “đắt” hơn bao giờ hết.
Mình từng rất ngưỡng mộ Charlize Theron sau cú đúp Oscar lẫn Địa cầu vàng Nữ chính trong phim Monster (2004) và vai bà mẹ đơn thân đấu tranh chống nạn quấy rối tình dục ở khu mỏ trong North Country (2006). Nhưng sau đó, chả hiểu sao lại thấy nàng xuất hiện trong những phim tầm phào, nhạt nhẽo, lãnhg phí tài năng như “Hancock” và nhất là cực kỳ vớ vẩn như “A Million Ways to Die in the West”. Khi xem thông tin về “Mad Max”, mình tự nhủ, nếu dở thì đây là phim cuối cùng của Charlize mà mình xem. Cảnh Furiosa quỳ xuống, thẫn thờ giữa sa mạc mênh mông và gào lên tuyệt vọng khi biết “nhà hóa ra không phải là nhà” knock-out mình hoàn toàn!

Tom Hardy, lại một lần nữa cho thấy anh chuyên trị những vai diễn kiểu “người hùng bất khả chiến bại, bề ngoài cục súc, nội tâm ẩn chứa phức tạp và thi thoảng nói một câu chết người”. Từ võ sĩ võ tự do trong “Warrior”, rồi gã quái vật bịt mặt Bane trong “The Dark Knight Rises”, rồi tay anh chị buôn rượu lậu trong “Lawless”, rồi tay sát thủ mặt lạnh trong “The Drop” và giờ là Max “Điên” đều chứng minh vai diễn kiểu này là đo ni đóng giầy cho Tom Hardy. Câu thoại “Hi vọng là một sai lầm. Khi nó vỡ vụn ra, nếu cô không biết cách vượt qua, cô sẽ phát điên”, dù cảnh sau đó hơi “sến” nhưng vẫn là một trong những đoạn khiến khán giả cực kỳ thấm.

Với mình thì Nux mới là vai diễn hay nhất trong “Mad Max”. Bạn nào đã xem phim, có để ý sự biến đổi, chuyển hóa đôi môi của Nux từ đầu đến lúc cậu ta chết không? Một ẩn dụ cực kỳ ấn tượng. Anh chàng này cũng sở hữu những câu thoại chứa nhiều ẩn ý (mình ko dịch, vì dịch thì không còn tính ẩn dụ): “I live, I die. I LIVE AGAIN!, “Oh what a day, what a lovely day!”, “If I’m gonna die, I’m gonna die historic on a fury road!”. So với Jack giết người khổng lồ trong “Jack the Giant Slayer” và tên ma cà rồng yêu bữa tối của mình trong “Warm Bodies” thì Nux ấn tượng hơn rất nhiều. Hi vọng là những vai diễn sắp tới của Nicholas Hoult sẽ tiếp tục đà đi lên.

Túm lại, “Mad Max: Fury Road” rất đáng xem. Không phải vì những lý do kể trên đâu, mà vì điểm IMDB tới 8,9 lận. Đại để là sau khi xem phim về thấy IMDB cho điểm như vầy thì mình chả còn nhớ những chi tiết dở của nó nữa!

Diệp Vấn 3

Lý Tiểu Long làm mồi

Xuất hiện chỉ khoảng 5 phút cộng với thông tin hành lang sẽ có phần 4, ý đồ dùng LTL làm “mồi” cho phần tiếp theo là quá rõ. Nhưng mồi này có vẻ chưa đủ. LTL không đóng vai trò gì trong mạch chuyện để dẫn dắt một cách hấp dẫn qua phần sau. Nếu anh Đơn giữ đúng lời không đóng tiếp thì phần 4 e là ế.

Vĩnh Thành nên có nhiều đất diễn hơn từ tập 1

Phần đất diễn của Vĩnh Thành có cảm giác bị đạo diễn ép cắt từ phần 1, chuyển sang phần 3. Nếu ngay phần 1, lồng ghép được những đoạn sâu lắng, xúc động của phần 3 thì có lẽ tập đầu tiên sẽ thành công lớn hơn nhiều. Thành ra, 3 phần phim giống như ăn cơm thịt kho với dưa leo, nhưng mà không cùng lúc. Ăn thịt kho trước, nhai nuốt rồi ăn dưa leo, nhai nuốt rồi cuối cùng mới ăn cơm. Kiểu gì cũng vào bụng, nhưng thấy tưng tức!

Mike Tyson gượng gạo

Nói chung, từ đầu thấy tên lão này là biết dùng để câu view rồi. Cảnh xuất hiện diễn xuất gượng gạo thì coi như bỏ qua, nhưng mà tình tiết hơi hiền, làm người xem dễ đoán được phần quan trọng là trận đấu với Diệp Vấn. Chắc vì giữ thể diện cho khách mời.

Gã họ Trương và cả phim lùng bùng

Xét về tổng thể, xem xong phần 3 về thấy lùng bùng. Không có bộ khung chắc chắn, dù dễ đoán nhưng vẫn hào hứng và khiến người xem nổi máu như phần 1 và 2. Bối cảnh lịch sử không rõ ràng. Nhân vật mỗi người nổi một tí. Trận đánh vừa phải, ít gây cấn. Có khi nào đây là đoạn kết sót từ phần 2 rồi ghép đoạn giới thiệu của phần 4!?

Túm lại, hỏi có thích không thì vẫn thích. Nhưng chủ yếu là do chị Vĩnh Thành thôi. Phần nhỏ nữa là vẻ già (không biết thật hay diễn) rất thật của anh Đơn. Đoạn chị ý ngồi lim dim nhìn ảnh oánh mộc nhân nên kéo dài thêm 10-20 giây nữa thì tuyệt!

Warrior (2011)

9/10 phim đấu võ đài của Mỹ đều có cốt chuyện thế này “Tại một giải đấu (vô tình hay cố ý) ít luật lệ nhất, quy tụ những võ sĩ giỏi nhất, tiền thưởng nhiều nhất (thắng ăn hết), nhân vật chính là kẻ vô danh lần lượt đánh bại những tên tuổi lừng danh để lên ngôi vô địch”.

Warrior còn làm hơn thế. Đây là phim đấu võ đài hiếm hoi mà bạn không muốn có người thua trong trận chung kết!

Lẽ dĩ nhiên, một phim được IMDB chấm 8.3/10 thì phải có một cốt chuyện đáng xem. Nếu Rocky là câu chuyện “nhà vô địch của tầng lớp bình dân”, Cinderella Man “thượng đài vì cơm ăn áo mặc của gia đình”, Million Dollar Baby là sản phẩm của “một HLV khác người” thì Warrior là 3 trong 1 một cách logic, kịch tính và đầy cảm xúc.

Chuyện Phim

Người cha, một cựu võ sĩ đang cai rượu, Paddy (Nick Nolte) gặp lại con trai út là Tommy, một lính thủy đánh bộ (Tom Hardy) sau 14 năm. Dù vẫn rất hằn học cha vì những gì đã gây ra trong quá khứ, nhất là cái chết của mẹ nhưng Tommy vẫn đề nghị Paddy làm HLV để tập luyện tham dự Sparta, giải đấu võ đài tự do có giải thưởng 5 triệu USD.

Trong khi đó, Brendan (Joel Edgerton), người anh, là giáo viên trung học tận tụy nhưng đồng lương ít ỏi không đủ trang trải những hóa đơn và buộc phải quay lại những trận đấu võ tự do ở các quán bar, điều mà Paddy đã dạy anh và Tommy rất tốt (thậm chí quá tốt!) từ khi còn nhỏ. Nhưng chiến thắng vài trăm đô tại những trận đấu làng nhàng đó không giúp Brendan giảm các khoản nợ, ngược lại, nó khiến anh mất việc khi bị nhà trường phát hiện. Và giải đấu 5 triệu USD trở thành kế hoạch khả thi duy nhất của Brendan.

Sau khi vượt qua những đối thủ sừng sỏ một cách đầy kịch tính và “kinh điển”, hai anh em, vốn bị chia lìa từ nhỏ (mẹ bỏ trốn mang theo Tommy, Brendan sống với Paddy) gặp nhau trong trận quyết đấu. Họ sẽ tung ra những đòn chí tử không phải để chiến thắng 5 triệu USD nữa, mà là tìm lại mối quan hệ ruột thịt vốn đã bị che mờ bởi những quá khứ u ám.

Diễn Xuất

Một nữ phê bình phim của trang About.com nói về Warrior thế này “Ngoại trừ ở Olympic, còn lại thì tôi rất ghét quyền anh, vật và đặc biệt là võ tự do. Tôi chưa bao giờ xem một trận đấu võ tự do nào bởi tôi không tiêu hóa được lý do họ thậm chí có thể đánh vỡ sọ một người xa lạ chỉ vì tiền. Chính vì thế, ban đầu tôi không chú ý đến Warrior. Nhưng bạn biết đấy, không nên đánh giá cuốn sách qua cái bìa.”

Khuôn mặt dữ dội kiểu Anh với cái cằm bạnh ra ngang tàng và cơ vai gồ ghề, Tom Hardy có một thể hình hoàn hảo của một cựu thủy quân lục chiến, một võ sĩ, một máy đấm. Nhưng bề ngoài sẽ vô nghĩa nếu Hardy không thể hiện được một Tommy “quái vật”, một người bị ám ảnh bởi tuổi thơ đầy bạo lực, tiếp tục trưởng thành trong một môi trường bạo lực và sử dụng bạo lực như một cứu cánh, một phương thuốc cho những vết thương chưa bao giờ lành.

Bản nhạc hay bởi những khoảng lặng. Nếu chỉ có đánh đấm thì Hardy sẽ giống như Steven Seagal hay Jean Claude Van Damme trong những bộ phim thừa mứa cơ bắp và gượng ép cảm xúc. Cũng với Nick Nolte, một diễn viên kỳ cựu sở hữu 2 đề cử Oscar Nam chính, những cuộc trò chuyện giữa hai cha con trở thành khoảng lặng rất đắt trong khúc tráng ca Warrior. Cảnh Tommy ôm, vỗ về và ru Paddy trong cơn hoảng loạn có thể lấy nước mắt của hầu hết khán giả.

Joel Edgerton. Lý do duy nhất khiến vai diễn của anh “chìm” hơn so với Hardy và Nolte là nó quá “kinh điển”. Giống như Cinderella Man, vai Brendan là một người đàn ông hết mình vì gia đình. Một người đã vượt qua quá khứ bất hạnh để có một cuộc sống bình thường. Cho đến gần cuối phim, vì không có sự ngang tàng, dữ dội và câu chuyện kịch tính như Tommy nên Brendan chỉ là một người “tốt”, vừa đủ để khán giả gật gù cảm thông. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi giải đấu đi đến trận bán kết và đỉnh điểm là trận chung kết. Brendan trở thành nút thắt cho mối quan hệ anh em, cha con và sự cứu rỗi cho cả Tommy lẫn Paddy.