Với người bình thường, mù là điều vô cùng khủng khiếp bởi đôi mắt là cửa sổ của tri thức và tâm hồn. Bị mù không phải do bẩm sinh thường gây ra những cú sốc tâm lý kéo dài cho đến cuối đời. Nhưng Sabriye Tenberken, một phụ nữ Đức là ngoại lệ hiếm có.
Sinh năm 1970 tại Cologne, khi lên 2, bố mẹ của Sabriye được thông báo rằng con của họ sẽ bị mù dần dần. Kể từ đó, Sabriye được dẫn đi rất nhiều nơi để thu nhận càng nhiều càng tốt những hình ảnh về thế giới xung quanh. Dường như ý thức được cuộc đua không cân sức với thời gian, tâm trí của cô bé luôn rộng mở và ngập tràn trong màu sắc, hình ảnh, chuyển động. Năm 13 tuổi, Sabriye bị mù hoàn toàn.
Khi trưởng thành, Sabriye theo học khoa Trung Á tại ĐH Bonn. Như mọi sinh viên phương Tây năng động khác, cô cùng mẹ thực hiện một chuyến đi đến Nepal vừa phục vụ việc học, vừa du lịch. Sabriye không biết rằng khi đặt chân đến Tây Tạng, cuộc đời cô rẽ sang một hướng khác.
Chỉ lưu lại Tây Tạng một thời gian ngắn, nhưng quá đủ để Sabriye cảm thấy bất mãn với cách đối xử mà dân bản xứ dành cho người mù. Bị bỏ ngoài đường hoặc nhốt kín trong nhà, không giáo dục, không y tế và bữa ăn hay quần áo chỉ là của bố thí, người mù ở Tây Tạng là vật bị thần linh nguyền rủa. Không nhìn thấy nhưng qua lời kể của mẹ, Sabriye nhen nhóm khao khát thay đổi số phận nghiệt ngã của những người mù ở vùng đất được coi là nóc nhà của thế giới.
Quay lại Đức, Sabriye lao vào học tiếng Tây Tạng. Rủi thay, hệ thống chữ nổi cho người mù (Braille) chưa có tiếng Tây Tạng. Nó giống như việc bạn học tiếng Anh mà thiếu bảng chữ cái vậy. Nhưng với Sabriye, chuyện không có gì to tát. Năm 1992, Sabriye hoàn thành Hệ thống chữ nổi tiếng Tây Tạng.
Năm 1998, cô quay lại Tây Tạng, một mình! Sabriye trình bày kế hoạch giáo dục trẻ em mù cho các nhà chức trách. Bất chấp những khó khăn về tài chính, sức ép từ chính quyền sở tại cùng vô số lời dèm pha, đàm tiếu, ngăn cản, cuối cùng Trung tâm Người mù của cô ra đời tại Lhasa (được coi là thủ đô của khu tự trị Tây Tạng). Năm học sinh đầu tiên của Trung tâm cũng là những người mù đầu tiên được đi học trong lịch sử hàng nghìn năm của Tây Tạng.
Cũng trong năm này, cùng với Paul Kronenberg, một thành viên Hội Chữ thập đỏ, Sabriye sáng lập Project for the Blind, Tibet (Dự án dành cho Người mù ở Tây Tạng). Năm 2002, dự án đổi tên thành Braille Without Borders (tạm dịch: Tổ chức Người mù không biên giới) với mục tiêu đem lại hi vọng và kỹ năng sống cho người mù. Tổ chức hiện có hai trường học (ờ Tây Tạng và Ấn Độ), một trung tâm trị liệu, một nông trại dạy nghề (đều ở Tây Tạng) và một văn phòng đại diện ở Ấn Độ. Kinh phí hoạt động của Tổ chức thời gian đầu chủ yếu từ 3 cuốn sách của Sabriye (là My path leads to Tibet, Tashis neue Welt và Das siebte Jahr) và một phần từ các tổ chức nhân đạo quốc tế khác.
Những đóng góp phi thường của Sabriye Tenberken được cả thế giới ghi nhận. Trong số vô số giải thưởng cô nhận được, nổi bật là: HERO (do tạp chí Time châu Âu và châu Á bình chọn năm 2004), Global Leader for Tomorrow (do Diễn đàn Kinh tế Thế giới bình chọn năm 2005), Huy chương Bundes Verdienstkreuz từ tổng thống Đức Horst Köhler, Mother Teresa Award (cho bản thân Sabriye Tenberken và tổ chức Braille Without Borders).